Bộ Xây dựng sẽ làm gì để ngăn chặn việc chủ đầu tư dự án nhà ở huy động vốn trái phép?

02:12

Trước thực trạng một số chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện huy động vốn đẩy rủi ro về phía khách hàng Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm có quy định chế tài.

Bộ Xây dựng sẽ làm gì để ngăn chặn việc chủ đầu tư dự án nhà ở huy động vốn trái phép?
Thời gian qua, nhiều khách hàng đã gặp phải không ít rủi ro khi mua nhà "trên giấy". Ảnh minh họa.

Còn tình trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép

Vừa qua, tại văn bản số 311/BXD-QLN trả ltrả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng nhận định thời gian qua, thị trường bất động sản đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại, trong đó có việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện huy động vốn; chủ đầu tư thế chấp dự án, bất động sản trong dự án tại tổ chức tín dụng, mặc dù chưa giải chấp nhưng vẫn tổ chức huy động vốn nhằm mục đích bán nhà ở theo hình thức hợp đồng đầu tư góp vốn.

Bộ Xây dựng nhận định thực trạng trên đã dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.

Theo Bộ Xây dựng, các tồn tại trong việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp tác động như: pháp luật hiện hành còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để các hành vi lách luật để huy động vốn trong giao dịch bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng khẳng định việc tại một số dự án năng lực chủ đầu tư dự án bất động sản chưa được sàng lọc tốt; hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận; thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý thị trường bất động sản.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua đã có một số giải pháp để hạn chế việc lách luật huy động vốn, kiểm soát để thị trường bất động sản an toàn, ổn định.

Cụ thể, các biện pháp được Bộ Xây dựng triển khai gồm đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với công tác xây dựng, ban hành và tham mưu ban hành các quy định, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022; Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022; Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022,…. Và nhiều văn bản khác.

Về các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trên trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bổ sung.

Trong các dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên Bộ Xây dựng cho biết sẽ chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm quy định đồng bộ, bao quát giữa việc vừa tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đảm bảo có sự quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản; quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Đáng chú ý, theo Bộ Xây dựng sẽ chú trọng quy định một số chế tài như áp dụng biện pháp bảo đảm trong giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; quy định chặt chẽ, phù hợp thực tiễn về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh. Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, bên bán, cho thuê mua, cho thuê bất động sản trong việc phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm trong việc áp dụng, ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh doanh bất động sản đúng quy định pháp luật. Quy định nâng cao điều kiện, trách nhiệm, năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động, hành nghề môi giới bất động sản.

Đối với công tác minh bạch thông tin thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết sẽ có quy định nhằm nâng cao về trách nhiệm công khai thông tin bất động sản của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất và liên thông từ Trung ương đến địa phương; liên kết chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, các cơ quan liên quan về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.

Đối với công tác thanh kiểm tra, theo Bộ Xây dựng sẽ có quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản để tăng cường hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm.

Trong công tác hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thông cơ chế, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường bất động sản; đảm bảo nhà nước quản lý và điều tiết kịp thời, hiệu quả thị trường bất động sản.